Custom ROM hay nói theo cách đậm chất Việt Nam là ROM tùy chỉnh, sở hữu giao diện với mức độ tùy biến cao cùng khả năng cá nhân hóa bản ROM theo ý thích của người dùng. Bạn có thể làm điều mình thích ngay trên chiếc smartphone của bạn.
Về cơ bản, ROM Android tùy chỉnh là bản ROM được "độ" lại từ mã nguồn Stock Android (thuần Android, ROM gốc) của Google. Tùy theo các nhà phát triển mà bản ROM có được mượt mà và tùy biến cao hay không. Bên cạnh đó, vẫn có khá nhiều smartphone được cài sẵn ROM tùy biến. Dĩ nhiên, mức độ nổi tiếng của các thương hiệu di động này sẽ không bằng Samsung, Sony, LG hay HTC chẳng hạn,... Nhưng được cái người dùng sẽ tha hồ tùy biến bản ROM theo cách riêng của họ, chứ không bị gò bó như ở các thương hiệu vừa nêu.
Khuyến cáo: 1 là thiết bị đó đã được cài sẵn ROM tùy chỉnh, còn 2 là các bạn phải am hiểu ít nhiều về ROM (root, recovery, mở khóa bootloader,...) thì mới nên tìm đến các bản ROM tùy chỉnh bên dưới mà "vọc vạch". Vì nếu làm không tốt, thiết bị sẽ bị lỗi (treo Logo, Brick, Bootloop) và mức độ nặng hay nhẹ đều phụ thuộc vào vốn kiến thức của bạn.
1. CyanogenMod
CyanogenMod hay CM là bản ROM được phát triển bởi công ty CyanogenMod và được rất nhiều tín đồ Android yêu thích. CyanogenMod bổ sung thêm một số chức năng vượt trội, loại bỏ các Bloatware (ứng dụng, tiện ích của nhà sản xuất hoặc bên thứ 3 liên kết cài vào máy dù bạn muốn hay không) và spyware (phần mềm gián điệp). Bản ROM này ra đời nhằm cải thiện hiệu suất, nâng cao khả năng trải nghiệm Android của người dùng.
Nếu thiết bị của bạn nằm trong danh sách được CyanogenMod hỗ trợ thì sẽ được cập nhật phần mềm hàng tuần và nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía cộng đồng Android. CyanogenMod 3 là bản ROM đầu tiên tương ứng với phiên bản Android 1.5 Cupcake (hiện không còn được hỗ trợ) và hiện tại CyanogenMod 13 là bản ROM mới nhất tương ứng với Android 6.0 Marshmallow. Dự kiến, CyanogenMod 14 tương ứng Android N sẽ bắt đầu được phát triển nội trong tháng 5/2016.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm và tải về ROM CyanogenMod tại đây.
2. Paranoid
Bản ROM này bắt đầu nổi lên vào năm 2013, dựa vào nền tảng Android Jelly Bean. Paranoid không tập trung nhiều ở khâu hình thức của giao diện, nên nhìn không khác biệt gì mấy so với Android gốc. Chủ yếu Paranoid đánh mạnh vào khả năng tùy biến và tương tác với người dùng. Có hai tính năng mà mình thích nhất ở bản ROM này: Nâng cao sự đơn giản của các phím điều hướng bằng thao tác vuốt đơn giản, vì thông thường chúng sẽ ẩn nhằm mang đến không gian thoải mái hơn, tiết kiệm được khá nhiều khoảng trống trên màn hình. Tính năng còn lại có tên gọi là Peek, tương tự như trên tính năng Peek của công nghệ màn hình 3D Touch đến từ Apple. Tức là bạn có thể dễ dàng xem trước các thông báo ngay từ màn hình khóa.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm và tải về ROM Paranoid tại đây.
3. AOKP
Android Open Kang Project hay gọi tắt là AOKP, chính thức được tung ra cho các thiết bị Android vào tháng 9/2013. Đây là bản ROM mà các modder Android rất thích và hiện tại đã tương thích với "hàng tá" thiết bị Android. Điểm nhấn ở bản ROM này là bạn có thể tùy chỉnh nhanh các phím tắt trong menu cài đặt (Quick settings), quản lý màu sắc, thiết lập đèn LED thông báo cho từng ứng dụng.
Ngoài ra, ROM AOKP còn có tính năng Navigation ring, cho phép đặt 5 ứng dụng mình ưa thích vào 5 ô trống có sẵn. Người dùng có toàn quyền thay đổi bất cứ thứ gì trong phiên bản này bao gồm giao diện và chức năng của các ứng dụng. Chưa hết, bạn còn có thể kiểm soát hiệu năng xử lý của thiết bị, nhờ tính năng này đã giúp AOKP trở thành một trong những bản ROM được đánh giá rất cao.
Đáng tiếc là cho đến thời điểm này ROM AOKP chỉ mới được phát triển ở giai đoạn Android KitKat mà thôi. Không biết đến khi nào tín đồ Android mới có dịp được trải nghiệm ROM AOKP dựa trên nền tảng Android 6.0 Marshmallow và thậm chí cả Android N. Hiện vẫn có phiên bản ROM AOKP Android 6.0.1 trên diễn đàn XDA, nhưng đây không phải là bản chính thức.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm và tải về ROM AOKP tại đây.
4. PAC-ROM
PAC-ROM là giải pháp cho tất cả-trong-một bản ROM tùy chỉnh, hay có thể nói đây là bản ROM Cook thập cẩm. Vì nó hội tụ những tính năng nổi bật đến từ các thương hiệu nổi tiếng như: CyanogenMod, Paranoid, AOKP và cả Omni. Nếu bạn thích sự tùy biến cao thì hãy đến với PAC-ROM.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm và tải về PAC-ROM tại đây.
5. OmniROM
Được phát triển bởi những cựu thành viên đến từ CyanogenMod (Xplodwild, Chainfire, Dees_Troy, Pulser và Entropy) vào cuối năm 2013. Giao diện của OmniROM mang hơi hướng từ bản Android gốc cùng với một số tính năng bổ sung rất hữu dụng. Bản ROM này có một tính năng khá hay đó chính là OmniSwitch, nó cung cấp sự điều hướng từ các ứng dụng đến các thiết lập chính của hệ thống và ngược lại.
Bạn cũng có thể trượt thanh notification bar và điều chỉnh độ sáng màn hình. Lúc này một thanh notification counter có thể được thêm vào status bar; mục thời gian và ngày tháng có thể truy cập ngay từ notification menu.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm và tải về OmniROM tại đây.
6. SlimROMs
Đây là phiên bản rút gọn của Android và chắc chắn là không có bloatware đi kèm theo. Cho nên SlimROMs rất mượt và dễ sử dụng. Với tính năng Privacy Guard giúp đơn giản hóa thao tác của người dùng, vì nó sẽ "đóng băng" các quyền không cần thiết được phát triển bởi các lập trình viên cũng như cho phép người dùng có toàn quyền sử dụng thiết bị của họ.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm và tải về SlimROMs tại đây.
Bạn đã trải nghiệm được bao nhiêu bản ROM Android tùy chỉnh trong bài rồi và đánh giá ưu, nhược điểm của chúng thế nào?