Vào ngày 5/10/2015 phiên bản Android mới nhất với mã hiệu Marshmallow (kẹo dẻo)
đã chính thức được đưa vào sử dụng rộng rãi trên các hệ máy Nexus và các hãng điện thoại sử dụng Android khác cũng đang rục rịch chuẩn bị cho đợt cập nhập này.
Nếu như phiên bản Android trước Lollipop có 2 thay đổi lớn nhất là thiết kế theo ngôn ngữ Matterial Design và nhân hệ thống ART thì ở Android 6.0 (Android M) này chúng ta có thể thấy những thay đổi đợt cập nhật này tuy nhỏ nhưng thiên về xu hướng hoàn thiện tương tác người dùng, cho một trải nghiệm tuyệt vời hơn.
Cải thiện về trải nghiệm người dùng
Giao diện xoay ngang home screen
Về mặt giao diện người dùng, màn hình chính trên Android M có vẻ có khá ít thay đổi so với phiên bản trước ngoại trừ logo Google, tuy nhiên khi bạn vào trong Menu ứng dụng bạn có thể thấy khá nhiều thay đổi. Các ứng dụng được bố trị và cuộn xuống theo chiều dọc, ở phía trên cùng là thanh tìm kiếm và có một điểm thú vị là máy sẽ tự động gợi ý cho bạn 4 apps để sử dụng tùy theo từng địa điểm mà bạn đang ở.
Now on tap
Có lẽ tính năng đáng chú ý nhất trên Android Marshmallow chính là Now on Tap. Google đã cải thiện hệ thống API của mình cho tính năng thú vị này. Khi ở màn hình của bất kỳ ứng dụng (ví dụ trình duyệt web) đang hiển thị thông tin, bạn có thể giữ nút home và máy sẽ bắt đầu "quét" những thông tin đang được hiển thị trên màn hình, gửi về Google và Google sẽ phản hồi lại cho bạn những thông tin, gợi ý có ích liên quan. Việc tích hợp Google theo cách này nâng trải nghiệm người dùng lên một tầm cao mới.
Quét và phản hồi chỉ với thao tác nhấn giữ phím home
Thao tác với văn bản
Nếu như ở các phiên bản trước, khi bạn chọn một đoạn văn bản để thao tác, thanh công cụ chứa các nút chức năng như cut, copy, paste nằm chễm chệ ở phía trên cùng thì giờ đây, ở phiên bản Android 6.0, thanh toolbar đã nằm ở ngay vị trí con trỏ chuột cho một thao tác thân thiện và dễ dàng hơn nhiều lần.
Đó là cải tiến về mặt giao diện, về mặt thao tác, có một cải tiến thú vị là nếu bạn kéo chọn văn bản từ phía bên trái qua bên phải thì sẽ chọn văn bản theo từng cụm từ một, nhưng khi bạn kéo ngược lại từ phải sang trái thì sẽ bỏ chọn theo từng ký tự một. Đây là một điểm cải thiện tuy rất nhỏ nhưng lại rất đang giá, bám sát theo nhu cầu sử dụng thực tế vì việc thao tác chọn các đoạn văn bản trên điện thoại khi chỉnh sửa là một điều mà chúng ta phải làm thường xuyên hằng ngày khi soạn văn bản, tin nhắn, email.
Cải thiện về nền tảng hệ điều hành
Chế độ Doze
Khi ở trạng thái không sử dụng, điện thoại Android đốt pin khá nhiều nếu so sánh với các điện thoại hệ điều hành khác. Google đã cho ra đời chế độ Doze để giải quyết vấn đề về pin chờ điện thoại này. Khi máy bạn không được sử dụng, chế độ Doze sẽ được kích hoạt và sẽ hoạt động hơi giống như khi bạn bật chế độ Airplane trên điện thoại vậy: không kết nối, không thông báo, không có bất kỳ việc chạy ứng dụng nào diễn ra trong quá trình này để đảm bảo cho máy ở trạng thái tiết kiệm năng lượng tối đa có thể. Chỉ một số thông báo quan trọng như cuộc gọi, báo thức, tin nhắn là có thể hiển thị trong trạng thái Doze này.
Tuy nhiên bạn cần phải hiểu rõ: "không sử dụng" không chỉ đơn giản là để máy trong tình trạng tắt màn hình mà còn là "không di chuyển" - cảm biến trong máy sẽ đo đạc xem liệu có phải máy đang được "để im" theo nghĩa đen một thời gian dài hay không (Ví dụ như khi bạn để im trên bàn, trên giường). Bạn chỉ cần cầm điện thoại lên hoặc di chuyển máy từ vị trí đừng yên của nó, máy sẽ tự động trở về trạng thái bình thường, tiếp tục kết nối mạng và nhận thông tin.
Sử dụng thẻ SD cắm ngoài như bộ nhớ trong
Trên Andoird 6.0, khi bạn cắm một thẻ nhớ SD hay kết nối một bộ nhớ ngoài bất kỳ vào máy thì bạn sẽ phải trải qua một quy trình để "set up" trước khi có thể sử dụng và hệ thống sẽ cho bạn hai lựa chọn: Sử dụng như một bộ lưu trữ Portable (bộ nhớ ngoài) hoặc Internal (bộ nhớ trong). Nếu bạn chọn Portable, bạn sẽ ngay lập tức bắt đầu sử dụng bộ nhớ ngoài này như cách cũ trên các phiên bản Android trước: đơn giản là chỉ để lưu trữ. Nếu bạn chọn Internal, bạn sẽ phải format lại thiết bị nhớ ngoài của bạn theo chuẩn Ext4 và máy sẽ sử dụng nó như một phần của bộ nhớ hệ thống, và sẽ không còn chuyện bộ nhớ máy đầy không thể cài thêm ứng dụng.
Vấn đề về bộ nhớ trong ít ỏi đã được giải quyết trên Android Marshmallow
Hoàn thiện App Suggestion
Nếu trên các phiên bản Android trước bạn khi cài đặt một ứng dụng mới bạn trao quyền truy cập tất cả các tính năng mà app yêu cầu (như mic, camera trước, danh bạ,..) ngay tại thời điểm đó thì với phiên bản Android Marshmallow, Google đã phân chia các quyền truy cập thành 8 mục khác nhau và chỉ khi nào app đòi hỏi quyền truy cập một tính năng cụ thể riêng lẻ nào đó thì hệ thống mới hiển thị thông báo và bạn có thể chọn lựa việc trao quyền hay không. Sau khi lựa chọn hệ thống sẽ tự động ghi nhớ và tất nhiên bạn có thể thay đổi việc trao quyền này bất cứ lúc nào trong Setting.
Chính thức hỗ trợ nhận diện vân tay và Google Pay
Cảm biến và nhận diện vân tay không phải là điều quá lạ lẫm khi các hãng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android như Samsung, Oppo,.. đã áp dụng công nghệ này lên các dòng máy của họ từ lâu nhưng đa số đều là tự thân vận động: tức phải tự thiết kế phần cứng và tạo API mới để bổ sung tính năng. Ở phiên bản Android Marshmallow này, Google chính thức bổ sung API cho nhận diện vân tay vào nhân hệ điều hành.
Điều này đồng nghĩa với việc các ứng dụng từ các nhà lập trình viên khác có thể thoải mái sử dụng công nghệ này để làm rất nhiều công việc thay vì chỉ đơn giản chỉ là mở khóa điện thoại như trước.